Khảo Cứu
Nghiên cứu văn học
Văn Học Việt Nam
LỜI NGƯỜI MAN DI HIỆN ĐẠI - NGUYỄN VĂN VĨNH
Lời Người Man Di Hiện Đại
(Phong tục và thiết chế của người An - Nam)
Tác Giả: Nguyễn Văn Vĩnh
Chủ Biên: Nguyễn Lân Bình - Nguyễn Lân Thắng
Giá bìa: 50.000đ
SGTT.VN - Bộ sách Lời người Man di hiện đại tập hợp những bài viết
của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên L’Annam Nouveau (Nước Nam mới), tờ
báo tiếng Pháp do ông là chủ bút vừa ra mắt hai tập đầu: Nguyễn Văn
Vĩnh là ai? và Phong tục và thiết chế của người An Nam. Có chút khác
biệt so với kế hoạch xuất bản: từ 9 cuốn tăng lên 16 cuốn, cuốn cuối
cùng được đẩy thành cuốn đầu tiên. Tất nhiên là có lý do…
Có một câu hỏi: Vì sao Nguyễn Văn Vĩnh lại dành chừng ấy công sức, thời gian để miêu tả kỹ càng một ngôi làng điển hình “đúng như những gì nó đã tồn tại”? Phải đọc cẩn thận từ trang đầu đến trang cuối của cuốn sách, mới hiểu sâu sa, ngòi bút của ông chủ yếu nhắm đến ai, hàm chứa dụng ý nào.
Trong tất cả các bài viết dưới tiêu đề Làng với người An Nam, Nguyễn Văn Vĩnh đều tự xưng là “người nhà quê chúng tôi”, với ba lý do: ông đích thực là người nhà quê, đã có thời gian dài làm chánh hương hội của một ngôi làng, và đã tường tận đời sống, thiết chế, bản chất, tức là những gì làm nên một ngôi làng Việt.
Người nhà quê ấy có đủ tư cách để truyền tải những hiểu biết, gợi ý và cả cảnh báo của ông đến độc giả, đặc biệt là những người Pháp thực dân đang nóng vội áp đặt chính sách cai trị cùng những cải cách theo công thức Âu châu vào những vùng nông thôn của Việt Nam.
Tuy hướng đến mục tiêu gợi ý và cảnh báo là chính, song những đánh giá đa chiều và khách quan có kèm dẫn chứng sinh động của ông khiến ngay cả những độc giả bị đặt vào tầm ngắm cũng vừa thấy bực bội, vừa thích thú.
Ở chỗ này, Nguyễn Văn Vĩnh phân tích tỉ mỉ thế nào là một cái làng, từ tín ngưỡng cho đến cơ cấu hành chính và những biện pháp chế tài kiểu lệ làng, nhưng lại là một thứ luật pháp uyển chuyển và có sức mạnh kỳ lạ.
Ở chỗ khác, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra điểm yếu và sức mạnh của người Việt, từ thói mê tín dị đoan, tính sĩ diện… đến truyền thống trọng học sĩ và tình yêu sâu nặng, bền bỉ với đất đai, có chứa đựng cả lòng tự tôn trong đó. Vẽ nên bức tranh chân dung bao quát và rõ nét về làng quê cũng như con người Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh chủ tâm khiến người Pháp vỡ lẽ: công cuộc cải cách mang ý chí chủ quan và đầy áp đặt của họ đã phá vỡ hệ thống hành chính làng xã, mà đáng ngại nhất là tình trạng loạn mua bán chức danh, loạn sưu thuế, loạn đặc quyền, loạn nhập cư… Dĩ nhiên, gánh chịu hậu quả là những nông dân nghèo, phải vay nặng lãi để có thóc giống canh tác, và phải dành cả đời trả nợ.
Ông đề ra một loạt phương án cải cách về ruộng đất, tiền tệ, hệ thống lưu trữ và thu mua thóc lúa có lợi cho người nông dân. Và điều bất ngờ hơn cả là ngay ở thời đại đó, đã có một “người nhà quê” mang tên Nguyễn Văn Vĩnh nuôi mộng quảng bá ẩm thực Việt, đặc biệt là hạt gạo nước Nam ra thế giới.
Trong buổi hội thảo diễn ra ít tháng trước khi Lời người Man di hiện đại ra mắt hai tập đầu, diễn giả Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và là chủ biên bộ sách đã đón nhận khá nhiều thắc mắc từ cử toạ, như Nguyễn Văn Vĩnh có quan tâm đến chính trị, có mối liên hệ “ngoài luồng” với người Pháp hay không…? Đó là lý do tập cuối cùng Nguyễn Văn Vĩnh là ai? được đảo vị trí thành tập đầu tiên, với mục đích cung cấp cho khán giả một hiểu biết sơ bộ và chính xác về con người có “một sự nghiệp không lỗi lầm và không có vết nhơ”. Cũng trong buổi hội thảo, người ta phát hiện ra, những năm qua, ngoài diễn giả Nguyễn Lân Bình, còn có không ít nhà nghiên cứu không tên, âm thầm tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, và có những đúc kết, phát hiện riêng khá lý thú về con người và tư tưởng Nguyễn Văn Vĩnh. Đó chính là nguyên nhân bộ sách được kéo dài thêm, và có thể, chưa chắc đã dừng lại ở con số 16 tập.
Sông Thao
Post a Comment